Ông là Đặng Văn Luyến ở phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu-Đà Nẵng), nguyên là chiến sĩ quan trắc pháo binh thuộc Trung đoàn 45, Đại đoàn 351. Ông kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng hào hùng trong chiến dịch lịch sử ấy.
Nhớ mãi những ngày tháng hào hùng
“… Từ Tuyên Quang, chúng tôi hành quân bằng cơ giới lên Lai Châu và tập kết ở phía đông bắc Điện Biên Phủ. Đoàn xe pháo toàn chạy ban đêm, được ngụy trang rất kỹ, máy bay địch chẳng thể nào biết được đó là những khẩu pháo 105mm. Công tác giữ bí mật được đặc biệt chú trọng nhằm làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, vì đây là lần đầu tiên quân ta có pháo lớn. Càng đến gần điểm tập kết, đường đi càng vất vả. Dốc, ổ voi, ổ trâu rất nhiều. Xe xóc liên tục. Anh em quan trắc chúng tôi ngồi trên xe ôm khư khư các loại máy đo, máy ngắm, lắm lúc người đập vào thành xe, nhưng vẫn cố giữ để máy không bị va đập.
Bước vào chiến dịch, pháo binh ta đã gây kinh hoàng cho giặc Pháp. Ngay từ những phút đầu, cả cụm cứ điểm Him Lam như chìm trong bão lửa, 5 chiếc máy bay trong sân bay Mường Thanh bị trúng đạn pháo nổ tan tành, kho xăng địch bốc cháy dữ dội… Chưa đầy hai ngày “chịu trận” và chống cự một cách bất lực, sáng ngày 15-3-1954, tên đại tá Pi-rốt (chỉ huy pháo binh của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) đã tự sát trong nỗi tuyệt vọng”.
Suốt thời gian tham gia chiến dịch, tiểu đội quan trắc của ông Luyến làm nhiệm vụ tại Đài quan sát đặt trên một đỉnh núi cao. Trong nhiều ngày liền, anh em khoét núi, xây hầm kiên cố, xác định chính xác các mục tiêu để hướng dẫn cho trận địa pháo. Ông Luyến nắm vững kiến thức và có khả năng tác nghiệp rất nhanh, được phân công kiểm tra lại các số đo và khi mục tiêu xuất hiện thì đảm nhiệm việc xác định cự ly.
Trong một lần làm nhiệm vụ, phát hiện thấy một máy bay địch đang quần lượn, ông Luyến nhanh chóng tính cự ly mục tiêu và thời gian viên đạn đi từ nòng pháo đến khu vực máy bay địch sẽ hạ cánh. Tính xong, ông hô luôn phần tử bắn về cho trận địa pháo và khi pháo ta nổ thì máy bay địch mới cất cánh lên khỏi mặt đất được vài mét và đã bị trúng mảnh pháo. Chiếc máy bay phụt lửa, bay loạng choạng, rồi bùng cháy và rơi xuống giữa tiếng hò reo vang dậy của anh em đồng đội. Đây là lần đầu tiên, pháo 105mm của ta làm nên kỳ tích bắn rơi máy bay địch đang bay và làm cho quân địch càng thêm khiếp đảm. Thành tích đó trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất trong quãng đời quân ngũ của ông Luyến.
Hành trình trở thành nhà khoa học
Sau năm 1954, ông Luyến xuất ngũ và đã thi đỗ đại học với số điểm rất cao. Trở thành sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông học giỏi toàn diện. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Ông đã làm cho đồng nghiệp hết sức cảm phục về chuyên môn nghiệp vụ và khả năng tiếp thu nhanh. Ông Luyến vừa công tác, vừa tìm tòi học hỏi ở các chuyên gia Liên Xô và chẳng bao lâu đã sử dụng được tiếng Nga. Năm 1965, ông thực tập ở Trung Quốc và trong vòng một năm đã nói được tiếng Trung Quốc. Tiếp đó, ông được cử đi nghiên cứu sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Ba năm sau, ông không chỉ bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (ngành hóa học) mà còn sử dụng thành thạo tiếng Đức.
Đến năm 1971, ông Luyến được phong hàm Phó giáo sư, rồi lần lượt được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Hóa học, Thư ký Hội đồng khoa học thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1981, ông lại được cử sang Đức làm nghiên cứu sinh và trở thành tiến sĩ khoa học ngành hóa. Về nước, ông tiếp tục công tác tại Viện Hóa học và được phong hàm Giáo sư vào năm 1983. Bạn bè đồng nghiệp trong nước khâm phục ông với gần 70 công trình nghiên cứu lớn nhỏ. Các nhà khoa học trên thế giới trân trọng ông với nhiều công trình khoa học nổi tiếng, tiêu biểu nhất là hai công trình: “Tổng hợp pô-li-me tinh thể lỏng” và “Sản xuất ki-tin-ki-tô-gian chiết từ vỏ tôm”.
Ông Luyến đã nhiều năm tham gia Ban biên tập và làm Tổng biên tập Tạp chí Hóa học, có hàng chục bài viết bằng tiếng nước ngoài đăng trên các tạp chí quốc tế. Ông đã được Nhà nước Liên Xô cũ cấp hai bằng sáng chế và là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Niu Y-oóc (Mỹ).
Sau khi về hưu, ông Luyến tiếp tục phấn đấu cống hiến trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Duy Tân. Năm 1999, ông thành lập Trường THPT Tư thục Khai Trí, sau phát triển thành Trường Cao đẳng Tư thục Đức Trí, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Được biết, hồi còn học ở Trường Quốc học Huế, ông Luyến học giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh, do đó, sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã được giao nhiệm vụ làm phiên dịch trong việc dẫn giải và khai thác tù binh Pháp.
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm/Báo Quân Đội Nhân Dân